26/12/2019 | 1272 |
0 Đánh giá

Nhân ngày Vía Đức Phật A Di Đà 17.11 Âm lịch, Phong Thủy Yên Minh viết chuyên đề nhằm giới thiệu mọi người công đức, hạnh nguyện, khác biệt giữa các trường phái Phật giáo khi nói về Đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc, là vị đừng đầu trongTây Phương Tam Thánh (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí), vì sao niệm hồng danh của Ngài sẽ giúp sinh vô lượng công đức và được vãng sinh về cõi Cực Lạc 

 

TƯ VẤN PHONG THỦY: ẢNH HƯỞNG NGUY HIỂM CỦA NHẬT THỰC 4/12/2021 THEO CHIÊM TINH VỆ ĐÀ 

https://g.page/PhongThuyYenMinh

Ý nghĩa hình tượng Đức Phật A Di Đà

 

Ý nghĩa hình tượng Đức Phật A Di Đà

1. Đức Phật A Di Đà là ai ?

Đức Phật A Di Đà không phải là đức Phật lịch sử, không có mặt tại cõi Ta Bà (trái đất) của chúng ta. Điều đó có nghĩa là Phật Di Đà sinh sống ở một thế giới khác với thế giới chúng ta đang sống. 

Trong kinh "Bi Hoa", Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật dạy rằng tiền thân của Đức Phật A Di Đà là vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm.

Vì muốn chứng đạo Bồ đề (Phật quả), nên nhà vua đem công đức cúng dường Đức Phật Bảo Tạng Như Lai và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sinh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ thể hiện qua 48 lời thệ nguyện được ghi rõ trong kinh Vô Lượng Thọ.

48 Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà

48 Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà

2. Đức Phật A Di Đà dưới góc nhìn Phật giáo Nguyên Thủy (Tiểu thừa)

Với Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa) ở các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, họ không hề thờ Đức Phật A Di Đà vì vị Phật này không hề có trong kinh sách Nguyên Thủy (chủ yếu lấy từ bộ kinh A Hàm, Kinh Nikaya)

Thế nên khi đi các chùa Phật giáo Nam Tông, chúng ta chỉ thấy họ thờ duy nhất một Đức Phật lịch sử, tức vị Phật có mặt thật trên trái đất của chúng ta: Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cùng các vị Đại Đệ tử đắc quả A La Hán của Ngài như A Nan, Ca Diếp hay Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên ở hai bên. Không hề thấy có bóng dáng các vị Bồ Tát Đại thừa như Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng hay các vị Hộ pháp Tiêu Diện, Vi Đà. 

Vì vậy, dưới góc nhìn Nguyên Thủy Phật giáo, các vị Phật, Bồ tát như Di Đà, Quán Âm, Thế Chí là các vị được người đời sau này (chủ yếu là Trung Hoa) phát triển lên, không phải là từ kim khẩu của Phật Thích Ca nói ra.

Việc tôn thờ hình tượng Đức Phật A Di Đà theo góc nhìn Nam Tông có tính ủy mị, dựa dẫm vào tha lực, chỉ cầu niệm Phật vãng sanh, chứ không áp dụng Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca, tự lực vận dụng văn, tư, tu, thiền định giúp khai mở trí tuệ, hóa giải nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống nhờ có cái nhìn như thật, thấu suốt về bản chất đời sống này. 

Bản chất các pháp môn tu tập của Phật giáo Nguyên Thủy cũng không có phương pháp cầu tái sinh các cõi tịnh độ (pháp môn Tịnh Độ) như "Tây Phương Cực Lạc" của Đức Phật A Di Đà, "Lưu Ly" của Đức Dược sư lưu ly quang vương Phật mà chỉ tập trung "ly dục, ly ác pháp", thanh lọc thân tâm trừ 62 kiến chấp sai lầm để thấy thực tướng của vạn pháp, từ đó đắc Tứ Quả, đỉnh cao là A La Hán, quả vị sau khi chết sẽ nhập Niết Bàn, trạng thái không còn sanh tử luân hồi vì hễ luân hồi là còn khổ. 

Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật

Nam mô Đại Từ Đại Bi Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật

3. Đức Phật A Di Đà dưới góc nhìn Phật giáo Đại Thừa (Phật giáo Phát triển)

Đức Phật A Di Đà được xem là vị Phật có nhân duyên sâu nặng với cõi Ta Bà, là một trong Tây Phương Tam Thánh (Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí) có công năng tiếp dẫn, siêu độ người đã mất về cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà tạo ra nhờ công đức bất khả tư nghị. Vì vậy trong đám tang chúng ta thường thấy hình ảnh Đức Phật Di Đà trong thế tiếp dẫn cùng hai vị Bồ tát thượng thủ Quan Âm, Thế Chí. 

Tây Phương Tam Thánh

Tây Phương Tam Thánh

Tầm quan trọng của Đức Phật A Di Đà còn được nhấn mạnh trong 12 bộ kinh Đại thừa, khi tất cả đều quy về pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật cầu vãng sanh, vì đây được cho là pháp môn thù thắng, kẻ sơ cơ hàng thượng căn đều làm được trong thời mạt pháp, dễ hiểu, dễ hành, dễ chứng quả, có thể nói là pháp môn bậc nhất vậy !

Tuy dễ dàng như vậy như pháp niệm Phật cầu vãng sanh vẫn đòi hỏi Phật tử phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí cơ bản "Tín, Hạnh, Nguyện", có lòng tin có một cõi tịnh độ ây Phương Cực Lạc do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, có nguyện sinh về cõi nước ấy, có thực hành nhiều thiện hạnh như thập giới, trường chay, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo, phóng sanh, để làm tư lương sanh về cõi ấy.

Giữ thập giới và quả lành

Giữ thập giới và quả lành phát sinh

4. Thế nào là "Đới nghiệp vãng sanh" ?

"Đới nghiệp vãng sanh" đơn giản là mang nghiệp cũ đi đến cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc. 

Theo lý thì sau khi chết con người sẽ tùy theo nghiệp đã tạo mà luân chuyển trong 3 cõi, 6 đường: Trời, A Tu La, Người, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục

Cõi tịnh độ là cõi giới do Chư Phật dùng sức thần thông hóa hiện ra, trong có có cõi gọi là "Phàm Thánh đồng cư", nghĩa là người phàm và thánh nhân như Phật, Bồ tát, A La Hán cùng cư ngụ như cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc.

Hiểu rõ kiếp người quá ngắn ngủi, vô thường, tái sanh các cõi giới khác rất khó tu, Đức Phật A Di Đà đã phương tiện tạo ra cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc như là một cõi trung gian để người mất mang cả thiện lẫn ác nghiệp sanh về đây tu học. Có thể nói đây là một trường Đại học, một viện chuyên tu để đào tạo ra các Bồ Tát, khi đến thời gian phù hợp, năng lực đủ đầy, các vị này sẽ lại tái sanh tới các cõi nước khác để ban bố giáo pháp, làm lợi lạc quần sanh. 

Người có tư duy logic, khoa học cho rằng khái niệm đới nghiệp vãng sanh rất vô lý, phi nhân quả, bởi kẻ đã tạo ác nghiệp như sân hận, căm thù, ganh ghét thì theo lý sau chết chắc chắn phải đọa địa ngục, sao lại có khái niệm niệm Phật được Phật cứu vớt vào cõi lành ?

Có 2 cách hiểu ở trường hợp này.

Cách hiểu 1: người gieo ác nghiệp như người đi biển bị sóng to gió lắm đánh đắm thuyền, phải loay hoay giữa dòng sinh tử. Thần lực của chư Phật chư Bồ Tát như con thuyền lớn xuất hiện vào thời điểm ấy giúp người gặp nạn an lành vào đất liền mà không phải dùng thuyền của mình. Năng lực to lớn của chư vị như con thuyền lớn có thể độ hàng trăm, hàng nghìn người dù họ đã mang trọng nghiệp trước đó. 

Cách hiểu 2: như hình ảnh con sâu ở trong thân cây tre, cây trúc muốn thoát ra khỏi thì phải leo lên đỉnh hay đào tận đáy, tượng trưng con người sau khi chết chỉ có 2 đường hoặc lên hoặc xuống. Đới nghiệp ở đây chính là có kẻ dùng dao hay rìu chặt một lỗ nhỏ ở giữa thân cây giúp sâu thoát ra ngoài mà không phải leo lên hay chui xuống. Dĩ nhiên con người khi đới nghiệp vãng sanh vẫn mang theo thiện ác nghiệp đã tạo, tuy nhiên đến cõi tịnh độ là thuận duyên thì sẽ tu tập tinh cần, mau chuyển hóa ác nghiệp, tích lũy thiện nghiệp để có một cuộc sống tươi mới, hạnh phúc hơn, không phải chịu cảnh khổ sở ở 3 cõi dưới. 

Công đức niệm Phật

Công đức niệm Phật giúp Đới nghiệp vãng sanh

4. Như vậy bất kỳ ai cũng có thể "Đới nghiệp vãng sanh" sao ?

Điều kiện tiên quyết để "Đới nghiệp vãng sanh" chính là không gieo thêm nghiệp xấu ác mới, chuyên cần niệm Phật để tích công bồi đức, diệt trọng tội trong quá khứ. Đó là điều không đơn giản bởi con người ngày nay mỗi ngày cử tâm động niệm đều gieo thêm nghiệp xấu ác vậy, do đó để được vãng sanh tịnh độ Tây Phương Cực Lạc thật không phải dễ dàng như mọi người thường nghĩ. Vì thế Kinh A Di Đà nói: "Không thể dùng ít căn lành, Phước đức, nhơn duyên được sanh về nước kia." Nước kia chính là tịnh độ Tây Phương Cực Lạc.

Trong Quán Kinh nói: "Niệm Phật một câu diệt được tám mươi ức kiếp tội trọng sanh tử lại được 80 ức kiếp vi diệu công đức. Chỉ có 1 kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống trăm kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống ngàn kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống vạn kiếp công đức không thể nghĩ bàn, hà huống một ức kiếp cho đến 80 ức kiếp không thể đếm số, nên gọi là công đức không thể nghĩ bàn".

5. Ngày Vía Đức Phật A Di Đà thật sự là ngày nào ?

Theo Phật giáo Đại thừa, nhất là Tịnh độ tông ở Việt Nam hay chọn ngày vía Đức Phật A Di Đà là ngày 17.11 Âm lịch.

Tuy nhiên, các kinh văn liên quan lịch sử Phật A Di Đà như Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Đại Bổn A Di Đà… tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Nghiên cứu kỹ thì ngày 17 tháng 11 âm lịch là ngày sanh của Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ, Tổ sư đời thứ sáu của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc.

Ngài nổi tiếng với Tứ Liệu Giản: 

1-Có Thiền không Tịnh độ/ Mười người, chín lạc lộ/ Ấm cảnh khi hiện ra/ Chớp mắt đi theo nó.

2-Không Thiền có Tịnh độ/ Muôn tu muôn thoát khổ/ Vãng sanh thấy Di Đà/ Lo gì chẳng khai ngộ?

3-Có Thiền có Tịnh độ/ Như thêm sừng mãnh hổ/ Hiện đời làm thầy người/ Về sau thành Phật, Tổ.

4-Không Thiền không Tịnh độ/ Giường sắt, cột đồng lửa/ Muôn kiếp lại ngàn đời/ Chẳng có nơi nương tựa"

để xiển dương đường lối tu tập cũng như yếu chỉ của tông Tịnh Độ.

Tiểu sử 13 vị tổ Tịnh Độ tông ghi: "Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương, tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu, trụ trì chùa Pháp Tướng.

Ngài vốn con nhà họ Trần ở Tuyền Nam, sanh ra có tướng lạ, hai tai dài chấm tới vai, đến bảy tuổi vẫn không nói. Một hôm có người đùa hỏi, ngài bỗng ứng tiếng đáp:

- Nếu không gặp bậc tác gia, nói cho lắm chỉ xô phá lầu khói mà thôi!

Sau ngài Hành Tu xuất gia ở chùa Ngõa Quan tại Kim Lăng, tham phỏng với Tuyết Phong thiền sư, ngộ được tâm ấn. Từ đó mãnh thú gặp ngài đều thuần phục, từng nổi tiếng là ông Tăng có nhiều sự phi thường, linh dị.

Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ Phật, hỏi Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ:

- Bạch Tôn đức! Thời nay có bậc chân tăng nào khác chăng?

Đại sư đáp:

- Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính là Phật Định Quang ứng thân đấy!

Vương y lời tìm đến ngài Hành Tu ở chùa Pháp Tướng, cung kính đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như Lai ra đời.

Hòa thượng Hành Tu bảo:

- Đại sư Vĩnh Minh thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó! Nói xong, Hòa thượng Hành Tu ngồi yên mà hóa.

Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh định gạn hỏi cho rõ ngọn ngành thì Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ cũng vừa thị tịch".

Vốn dĩ chư Phật và Bồ tát thường xuyên thị hiện để chuyển mê khai ngộ cho chúng sanh. Hành trạng của các Ngài vốn thong dong tự tại, không thể nghĩ bàn.

Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ được người đời truyền tụng là hóa thân của Phật A Di Đà nhưng trong 72 năm thị hiện làm Tăng ở Ta bà không ai biết được. Chỉ đến những giờ phút sau cùng, lúc thị hiện nhập Niết-bàn, mới phương tiện cho hàng Tăng kẻ tục biết Ngài là Phật A Di Đà hóa thân để tăng trưởng tín tâm, phát tâm niệm Phật, cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ. Từ đó, ngày sanh của hóa thân Phật A Di Đà (Đại sư Vĩnh Minh-Diên Thọ) được chọn làm ngày vía Khánh đản Phật A Di Đà.

Theo Mật tông Tây Tạng, ngày vía Phật A Di Đà lại là ngày 15 hàng tháng định kỳ theo lịch Kim Cương Thừa (khác với Âm lịch). 

Hình tượng Phật A Di Đà Mật tông với thân sắc đỏ

Hình tượng Phật A Di Đà Mật tông Tây Tạng với thân sắc đỏ

6. Như vậy Phật A Di Đà có thật hay không ?

Rất nhiều vị Đại sư Phật giáo trước tu theo Phật giáo Nguyên Thủy, sau nhờ cơ duyên thuần thục đã phát triển tâm Bồ Đề, tin theo Phật giáo Đại thừa, nghĩa là tin chắc thật có một Đức Phật Di Đà, tin vào việc cầu nguyện vãng sanh vào cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati) là có thật.  

Đọc mẫu chuyện sau về Ngài Asanga (Vô Trước), hy vọng mọi người sẽ khởi tín tâm vào giáo lý Đại Thừa, Mật tông, vào các vị Bồ Tát như Di Lặc, Quan Âm, những hình tượng tuyệt nhiên không hề thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy vậy !

NHỜ KIÊN NHẪN THIỀN ĐỊNH VỀ LÒNG BI NGÀI VÔ TRƯỚC ĐÃ TỊNH HÓA ÁC NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM PHI THƯỜNG

Ngài Asanga (Vô Trước) tới Núi Kukkutapada, ở đó Ngài bắt đầu thực hành pháp tu của Đức Phật Di Lặc với hy vọng có linh kiến về Ngài và có thể thỉnh cầu giáo huấn từ Ngài. Sáu năm trôi qua, mặc dù thiền định gian khổ, Ngài chẳng có được một giấc mộng lành nào. “Có lẽ ta chẳng bao giờ thành công” Ngài nghĩ, và bỏ đi, cảm thấy ngã lòng. Dọc đường, Ngài đi ngang qua một người đang chà xát một thỏi sắt khổng lồ bằng một miếng vải mềm. Ngài hỏi người đàn ông: “Ông đang gắng làm cái gì mà chà xát như thế?”. Ông ta trả lời: “Tôi cần một cây kim, nên tôi đang làm nó bằng cách chà xát thanh sắt này.”

Ngài Asanga nghĩ, “Ông ta sẽ không bao giờ làm được một cây kim bằng cách chà xát thỏi sắt khổng lồ đó với một miếng vải mềm. Cho dù nó có thể được làm trong một trăm năm, liệu ông ta có sống được tới đó không? Nếu chỉ vì một lý do quá nhỏ nhoi mà người bình thường còn nỗ lực như thế thì ta có thể thấy là mình chưa bao giờ thực sự thực hành Pháp với bất kỳ lòng kiên trì nào.”

Vì thế Ngài thực hành pháp tu trở lại.

Ngài thực hành hơn ba năm mà vẫn không thấy dấu hiệu nào. “Lần này, ta hoàn toàn chắc chắn là ta không thể thành công” Ngài nói, và lại lang thang lần nữa. Cuối cùng Ngài đi tới một tảng đá cao tới nỗi dường như chạm tới các tầng trời. Dưới chân tảng đá, một người đàn ông đang quất một miếng da nhúng nước vào tảng đá. “Ông làm gì vậy?” Ngài Asanga hỏi ông ta. Người đàn ông nói: “Tảng đá này cao quá, chẳng có chút nắng nào vào nhà, nhà tôi ở phía tây tảng đá nên tôi muốn làm tảng đá mòn đi cho tới khi nó biến mất”.

Với những suy tưởng như ba năm trước, Ngài Asanga quay trở lại và thực hành trong ba năm nữa, nhưng vẫn không có một giấc mộng lành nào. Hoàn toàn thất vọng, Ngài nói: “Như vậy ta chẳng bao giờ thành công được điều gì” và một lần nữa lại ra đi. Dọc đường, Ngài đi qua một con chó cái với hai chân sau bị què và toàn bộ phần sau của nó nhung nhúc dòi. Tuy thế, nó vẫn đầy vẻ gây hấn và cố cắn Ngài khi trườn mình bằng hai chân trước, thân sau của nó kéo lê trên mặt đất.

Asanga vô cùng xúc động, Ngài cảm nhận một lòng bi mẫn sâu xa không thể chịu đựng nổi. Ngài cắt một miếng thịt của mình cho con chó ăn. Sau đó Ngài quyết định giúp nó thoát khỏi những con dòi ở phần thân sau của nó. Vì sợ rằng có thể giết chết những con dòi nếu Ngài bốc chúng ra bằng tay, Ngài nhận thấy cách duy nhất để làm điều đó là dùng lưỡi. Nhưng mỗi khi nhìn vào toàn thân con chó đã quá thối rữa và đầy mủ thì Ngài lại không thể làm được.

Do vậy, Ngài nhắm mắt lại và thè lưỡi ra. Thay vì chạm vào thân con chó cái thì lưỡi Ngài lại chạm đất. Ngài mở mắt ra và thấy con chó đã biến mất. Đức Phật Di Lặc (Maitreya) có hào quang bao quanh đang đứng ở chỗ của nó. “Ngài tàn nhẫn làm sao” Asanga kêu lên, “suốt thời gian qua Ngài không cho con nhìn thấy mặt”.

“Không phải là ta không hiện ra cho con thấy. Ta và con chưa bao giờ xa cách nhau. Nhưng vì những ác nghiệp và chướng ngại của con quá mạnh nên con không thể thấy được ta. Nhờ con đã thực hành suốt mười hai năm ròng nên ác nghiệp và chướng ngại đã suy giảm được một ít nên con mới có thể nhìn thấy con chó cái. Ngay bây giờ, nhờ lòng đại bi của con, các chướng ngại của con đã hoàn toàn được tịnh hóa và con có thể thấy ta bằng đôi mắt của con. Nếu không tin, hãy mang ta trên vai và cho mọi người quanh đây nhìn thấy!”

Vì thế Asanga đặt Đức Di Lặc trên vai phải và đi vào chợ, ở đâu Ngài cũng hỏi mọi người: “Ông thấy cái gì trên vai tôi”. Ngoại trừ một bà lão mà tri giác ít bị những tư tưởng huân tập ngăn che, còn thì mọi người đều trả lời là không có gì trên vai Ngài. Bà ta nói: “Ông đang mang thây một con chó thối”

Sau đó Đức Maitreya mang Asanga lên cõi trời Đâu Suất, ở đó Ngài ban cho Asanga Di Lặc Ngũ Luận (Năm Giáo Lý Của Di Lặc) và những giáo huấn khác. Khi trở về cõi người, Ngài Asanga (Vô Trước) truyền bá rộng rãi giáo lý Đại Thừa.

Chu Thái Dương ()

Điều hành Phong Thủy Yên Minh (明) 0936.814.313

Chuyên gia tư vấn Phong Thủy nhà ở, xem Bát tự, gieo quẻ Kỳ Môn Độn Giáp

Achan người Việt Nam đầu tiên nhận Huyền thuật Hoàng Gia Thái Lan từ Lư Sĩ Hoàng Gia Thái Sorom


(*) Xem thêm

Bình luận