Có cần thiết phải cúng cô hồn hàng ngày hay không ? Hay chỉ cúng vào ngày rằm tháng 7 là ổn ?
Cúng cô hồn có bắt buộc phải bày biện bàn lễ đầy đủ phẩm vật hay không ? Có cách nào đơn giản, hiệu quả, không tốn kém thời gian, công sức chuẩn bị hay không ?
Bài viết giúp trả lời nhiều câu hỏi thiết thực về chủ đề cúng thí thực, cúng cô hồn
I. MỤC ĐÍCH CÚNG CÔ HỒN LÀ GÌ ?
Cô hồn còn gọi là ngạ quỷ (quỷ đói), vong linh, hương linh do nghiệp tham lam keo kiết không biết bố thí, chia sẻ với mọi người khi còn sống mà sinh thành.
Do đói khát nên cô hồn cần được con người cúng thức ăn, nước uống để mát lòng, hả dạ. Do đó cúng cô hồn còn gọi là cúng thí thực, một hình thức bố thí thực phẩm, thức ăn cho cô hồn thông qua lễ cúng dưới tác dụng của chú ngữ, gia trì quán tưởng của chủ lễ.
II. VONG LINH LÀ GÌ ? HƯƠNG LINH LÀ GÌ ?
Hai từ vong linh, hương linh thực chất dùng để chỉ:
+ Chúng sinh sau khi chết sinh vào cõi ngạ qủy (Qủy đói), hay đang bị đọa trong địa ngục
+ Thần thức chưa tìm được cảnh giới thọ sanh, Phật giáo gọi là thân trung ấm (thân trung gian sau khi chết mà chưa hội đủ duyên để tái sanh).
Tuy vậy, một số người phân biệt rõ giữa hương linh và vong linh:
+ Hương linh: dùng để gọi linh hồn hay thần thức của người mất trong vòng 49 ngày. Thời gian này họ thọ thực bằng mùi hương nên gọi là hương linh. Sau thời gian này linh hồn sẽ được chuyển tới các cảnh cõi tùy theo nghiệp báo, nếu chuyển tới cõi địa ngục, ngạ quỷ thì gọi là vong linh.
+ Vong linh: để chỉ chúng sanh ở cõi địa ngục, ngạ quỷ (ma đói) hay vãng vong, cô hồn lởn vởn ở thế gian chưa thể chuyển thế đầu thai do nghiệp lực.
III. CÔ HỒN ĂN GÌ ?
Đức Phật dạy trong kinh Tạp A Hàm số 373
“Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực và thứ tư là thức thực".
Đoàn thực:
“Đoàn” là “vắt” hay “nắm,” như nắm hay vắt cơm, khởi nguồn từ văn hóa dùng tay vo thức ăn đưa vào miệng của người Ấn Độ ngày xưa.
“Thực” có nghĩa là ăn.
Đoàn thực là loại thức ăn ở thể đặc hay thể lỏng, được đưa vào miệng.
Như vậy đây là cách ăn của người dương thế, khi còn sống buộc phải ăn thức ăn thô đặc, có hình dáng vật chất mới có sinh lực tồn tại.
Xúc thực:
Là cảm thọ khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, nhiệt độ, nghĩ suy. Cảm thọ có thể là mừng vui, giận dữ, thương yêu, thù ghét, sầu bi, an bình, tham đắm. Xúc thực có khả năng nuôi dưỡng hay tàn hại. Nếu xúc thực là cảm thọ hỷ lạc thì có sức mạnh vượt xa đoàn thực. Điều đó giải thích vì sao các thiền sư, hành giả yogi có sự an bình, hỷ lạc nội tâm mạnh hơn người bình thường rất nhiều lần.
Xúc thực còn được gọi là hỷ thực. Con người không chỉ tồn tại bằng gạo cơm, thực phẩm mà nhờ tình thương yêu của bố mẹ, bạn đời con cái. Niềm vui, hạnh phúc, sự yêu thương của người xung quanh có khi nuôi dưỡng ta nhiều hơn cả cơm gạo. Người nào được nuôi dưỡng trong môi trường thương yêu và trưởng thành trong môi trường hạnh phúc, người đó dễ thành công trong cuộc đời. Họ có trái tim nhân hậu và dễ phát sinh từ tâm.
Xúc thực cũng chính là cách vong linh thọ thực. Do vong linh không có cơ thể vật chất, họ không thể tiêu thụ thực phẩm hữu hình thô đặc như thức ăn của loài người do đó chỉ có thể cảm nhận thọ thực từ mùi hương của thực phẩm hay khói hương, nên thường gọi là hương linh.
IV. CÚNG CÔ HỒN CÓ CẦN PHẢI CÓ PHẨM VẬT HAY KHÔNG ?
Nếu hương linh hay vong linh thọ thực bằng mùi hương, vậy thì cúng cô hồn có cần phải bày một mâm cỗ với linh đình lễ vật thức ăn nước uống hay chỉ cần một nén nhang ?
Theo Phật giáo, vong linh thọ thực do tâm tưởng, thế nên chỉ cần một nén nhang nhưng với lòng thành kính hướng về họ, cộng với gia trì lực của thần chú, quán tưởng là đủ.
V. ƯU ĐIỂM CỦA CÚNG KHÓI MẬT TÔNG SO VỚI CÚNG CÔ HỒN CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ GÌ ?
Mật tông Tây Tạng có nghi thức cúng sur (cúng cho người mất) hay Riwo Sangchö (cúng dường khói núi) với thành phần chủ yếu là bột hương hay trầm nón đặc biệt được cô đọng từ các loại thực phẩm, nguyên liệu như:
◦ Yến mạch
◦ Vải ngũ sắc cắt nhỏ vụn
◦ 3 loại thực phẩm màu trắng (thường dùng sữa chua, bơ và sữa).
◦ 3 loại thực phẩm ngọt (mật ong, đường, bánh/kẹo...).
◦ Các loại đậu (hoặc gạo)
Chính vì cô đọng tinh túy của nhiều loại thực phẩm, thức uống nên người Tạng chỉ cần một viên trầm nón hay một chút bột cúng sur là đủ để cúng cô hồn hay cúng thí thực cho người đã mất, không phải bày biện bàn lễ tốn kém, tốn thời gian, công sức như người Việt.
Mặt khác, do tiện lợi trong công tác chuẩn bị nên việc cúng khói có thể diễn ra hàng ngày, cô hồn ngạ quỷ vì vậy dễ được no đủ hơn người Việt chỉ cúng vào ngày mồng 2, 16 âm lịch hay các tháng 1, 7, 10 Âm theo quan niệm xá tội của Đạo Giáo.
VI. CÚNG SUR HAY CÚNG DƯỜNG KHÓI NÚI CÓ CÔNG DỤNG GÌ NGOÀI VIỆC THÍ THỰC CHO CÔ HỒN NGẠ QUỶ ?
Tác dụng chủ yếu và ý nghĩa nhất của cúng sur hay cúng dường khói núi (Riwo Sangcho) chính là giúp tịnh hóa:
+ nghiệp xấu với oan gia trái chủ
+ các chướng ngại thế gian
+ chướng ngại trong tâm
VII. THỜI GIAN TỐT NHẤT ĐỂ CÚNG THÍ THỰC LÀ KHI NÀO ?
Thời gian thực hành cúng thí thực theo Phật giáo:
+ Theo truyền thống tốt nhất là cúng vào lúc chiều hoặc tối, sau 15h, lúc dương khí suy, âm khí bắt đầu thịnh. Tuy nhiên, nếu vướng bận công việc, bạn hoàn toàn có thể cúng vào buổi sáng khi trời chưa nắng gắt quá, vong có thể về thọ thực dễ dàng.
+ Với gia đình có người thân vừa qua đời, có thể thỉnh chư Tăng đến tụng, hay tự tiến hành cúng đầy đủ 3 thời trong một ngày.
VIII. ĐỊA ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ CÚNG THÍ THỰC LÀ Ở ĐÂU ?
+ Theo truyền thống thường là cúng bên ngoài nhà. Nếu ở nhà chung cư thì cúng ở ban công.
+ Tuy nhiên, nếu nơi bạn sinh sống không thuận tiện để mang ra bên ngoài (ví dụ như căn hộ nhỏ, v.v…) thì bạn có thể cúng trong nhà, đặt dụng cụ đốt hướng ra cửa. Ở nhà chung cư thì cho bột hay viên trầm vào lò đốt chung của chung cư.
IX. NẾU CÚNG CÔ HỒN TRONG NHÀ THÌ NGẠ QUỶ, TINH LINH SẼ CƯ NGỤ Ở LUÔN TRONG NHÀ, CÓ PHẢI VẬY KHÔNG ?
Dù không cúng thí thực thì trong nhà của chúng ta bao giờ cũng có:
+ Vong linh tiền chủ, hậu chủ
+ Vong cửu huyền thất tổ
+ Vong lạ bên ngoài có kết nối nghiệp được chư vị Thổ Thần hay Hộ pháp cho vào nhà
+ Vong từ bùa ngải, phép đen do gia chủ vô tình hay cố ý thỉnh về
Như vậy chúng ta thấy để vào được nhà cần phải có sự cho phép của Thần linh Hộ pháp hay có kết nối nghiệp với người trong nhà. Ngạ Quỷ, Tinh linh sau khi được vào nhà thọ thực, thọ xong rồi nếu không được Thổ Địa Hộ Pháp hay không có kết nối nghiệp với người nhà cũng không thể ở lại trong nhà dù muốn mấy đi nữa.
Điều này giống như một vị khách được bạn mời vào nhà ở chung cư. Sau khi ăn tiệc xong, người bạn sẽ phải ra về. Nếu người này không muốn về thì
+ Bị bảo vệ (thổ thần, hộ pháp) lên đuổi về theo quy định của chung cư không cho người lạ ở nếu không xin phép
+ Bị người nhà đuổi về do không có lý do chính đáng để ở lại (không có kết nối nghiệp)
Vì vậy khi cúng thí thực, đừng quan trọng sợ hãi việc cô hồn ngạ quỷ tinh linh sẽ ở lại gây khó dễ, đòi ăn mỗi ngày. Điều tối quan trọng là lòng bi mẫn hướng đến đối tượng thọ nhận. Nếu có thể trưởng dưỡng lòng bi mẫn muốn làm lợi lạc cho chúng sanh đang đói khổ thì thời khóa cúng dường khói núi sẽ cực kỳ lợi lạc.
X. LÀM SAO ĐỂ BIẾT CÔ HỒN THỌ THỰC ĐƯỢC HAY KHÔNG ?
Theo một số trường phái Phật giáo hay tâm linh, người ta có thể dựa vào tính chất của khói bốc lên khi cúng khói hay đốt vàng mã để biết được ngạ quỷ thọ nhận được hay không.
Một cách khác là trước khi đi ngủ cầu nguyện chư vị cho biết cô hồn ngạ quỷ (có thể ghi họ tên, năm sinh cụ thể nếu cúng cho đối tượng cụ thể) ở đất hay nhà số... có thọ nhận được đầy đủ vật phẩm cúng dường hay không.
Cách tốt nhất chính là nhờ thầy gieo quẻ Kỳ Môn hay người có khả năng tâm linh dùng thiên nhãn để xác nhận.
Diệt định nghiệp chân ngôn của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Chu Thái Dương (朱肽楊)
Điều hành Phong Thủy Yên Minh (風水殷朙) 096.799.3872
Chuyên gia tư vấn Phong Thủy nhà ở, xem Bát tự, gieo quẻ Kỳ Môn Độn Giáp
Achan người Việt Nam đầu tiên nhận Huyền thuật Hoàng Gia Thái Lan từ Lư Sĩ Hoàng Gia Thái Sorom