Ở Hà Nội có một ngôi làng từng phát vương 2 đời. Tuy nhiên sau khi bị Cao Biền ra tay trấn yểm, ngôi làng ấy không còn có người nào làm cao, dù người trong làng học giỏi, đạt danh hiệu nhưng không thất nghiệp thì cũng làm hạng lê dân tầm thường, không thăng tiến nổi trong bộ máy nhà nước.
Rất nhiều thầy phong thủy, thầy pháp sau khi được người dân trong làng nhờ đến giải trấn yểm thì một vài tháng sau đã thiệt mạng. Hãy cùng tìm hiểu về bí mật trấn yểm Cao Biền nhé.
1. Cao Biền là ai ?
Cao Biền cưỡi diều
Cao Biền tự Thiên Lý, là tướng triều Đường kiêm phong thủy sư, pháp sư nổi tiếng vì có nhiều tài phép thần thông thể hiện ra bên ngoài dù khi làm phong thủy hay khi điều binh khiển tướng.
Thời nhà Đường, vua Đường Ý Tông muốn xâm chiếm nước Nam. Song thấy vùng đất này thời nào cũng có nhân tài nổi lên nên vua Đường bèn tìm cách trấn yểm linh khí.
Năm Giáp Thân (864), vua Đường cử Cao Biền đến Giao Châu (tên nước ta lúc bấy giờ) làm Tiết Độ Sứ. Khi đi, vua Đường dặn Cao Biền : "Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn… làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến.
Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm". Vâng lời vua Đường, Cao Biền đến Giao Chỉ. Ông bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh thì đều trấn yểm.
2. Những vị thần, tổ Việt Nam nào đã phá trấn yểm Cao Biền thành công ?
Đầu tiên, nổi tiếng nhất, có thể kể đến chính là Tản Viên Sơn Thánh.
Núi tổ Ba Vì
Dãy núi Ba Vì có diện tích không rộng nhưng khá cao và độ dốc lớn. Núi có 3 ngọn nằm trên một khối gồm: Đỉnh Vua cao 1.296m, Tản Viên cao 1.281m và Ngọc Hoa cao 1.120m, gắn với truyền thuyết Sơn Tinh. Dù tên núi chính thức là Ba Vì nhưng thường được người dân gọi là núi Tản Viên.
Trong tín ngưỡng tâm linh dân gian, Việt Nam có Tam Tổ: Địa Tổ, Thủy Tổ và Sơn Tổ là núi Ba Vì. Ở Sơn Tổ có một ngôi đền thờ Sơn Tinh gọi là Đền Thượng.
Ban thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh trong đền Thượng
Trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi viết: “Núi Tản Viên ấy là núi Chủ (Tổ) của nước Nam ta đó”.
Hình thế của Tản Viên vô cùng độc đáo, khác hẳn với núi non ở Đại Việt. Theo sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (đời Trần) thì núi Tản Viên nằm ở phía tây kinh đô nước Nam Việt, lên cao núi thắt lại rồi xòe ra như cái ô nên có tên là Tản Viên.
Núi “sừng sững tráng lệ, ba đỉnh đứng dàn hàng, cao vút như trong bức họa”, và Sơn Tinh liền “lên tận đầu ngọn Vân Mộng (tên ban đầu của Tản Viên) mới lấy đó làm nơi cư ngụ”.
Sách Lĩnh Nam chích quái kể rằng Cao Biền - từng dùng thuật trấn yểm ở chân núi Tản Viên.
Hắn cho khiêng kiệu đến chân núi để dụ Sơn Tinh ra bằng chiêu thức hay sử dụng để yểm những nơi linh địa, tức là mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào, rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò, chuẩn bị mâm cỗ, để mời thần linh (ở đây là Sơn Tinh nhập xác ăn cỗ), hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu cô gái cũng chính là để giết chết Sơn Tinh.
Nhưng do có thần thông hiểu rõ ý đồ, Sơn Tinh đã hóa thân thành mây ngũ sắc chuẩn bị nhập vào cô gái lại bay lên. Nhìn lên trên cao, Cao Biền thấy rõ Sơn Tinh vén mây ra và nhổ một bãi nước bọt xuống mâm cỗ.
Mưu kế bất thành Cao Biền than thở: “Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi”. Cao Biền không biết Tản Viên chính là điểm khởi phát của trục Long Mạch thần đạo.
“Sơn bất tại cao, hữu thần tắc linh” nghĩa là núi không phải chỉ do cao, cứ có thần (tiên) là núi thiêng. Điều đó giải thích vì sao núi Tản Viên thấp hơn núi Tam Đảo nhưng dân gian lại nói
Nhất cao là núi Tản Viên
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn
Vì sự thiêng liêng kỳ diệu ấy nên Tản Viên Sơn Thánh có sức lảnh hưởng rất rộng lớn. Cũng vì vậy mà dân gian đã xếp Thánh Tản viên đứng đầu trong bốn vị thánh bất tử ở Việt Nam (Tứ bất tử) gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Từ và Mẫu Liễu Hạnh.
Núi Tản Viên - núi tổ của Việt Nam, nơi cư ngụ của Tản Viên Sơn Thánh
Vị thần thứ hai có thể ngăn chặn trấn yểm của Cao Biền chính là thần Long Đỗ, thành hoàng thành Đại La (hay Thăng Long thành ngày nay).
Sau khi đã bình định xong Giao Châu, Cao Biền cho xây thành Đại La để tập trung quyền lực về một mối". Là người giỏi về thuật phong thủy, xem địa lý, tiên đoán cát hung nên Cao Biền đã dò xét rất kỹ vị trí để xây thành Đại La (sau này vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long đã cho xây mới lại) và dò tìm đầu mối long mạch nước ta.
Theo tư liệu lịch sử, Cao Biền đã cho quân đắp thành cao 2 trượng 6 thước, chu vi hơn 1982 trượng, trên thành xây 55 vọng gác với nhiều điểm phòng vệ quân sự. Để làm rào chắn cho thành Đại La, Cao Biền đã tập trung các hộ ở vây quanh với bốn vạn căn nhà.
Hoàng thành Thăng Long (Thành Đại La được làm mới)
Sách Việt điện u linh thuật: “Khi xưa, Cao Biền sang ta đắp thành Đại La. Một buổi trưa, đi chơi vơ vẩn ra cửa đông ngoài thành, bỗng thấy mây mù nổi to, rồi có năm sắc rực rỡ bốc từ mặt đất lên tới trên không tụ lại, dưới làn mây năm sắc khí trời trở nên lạnh lẽo.
Trông trong làn mây thấy một người cưỡi rồng vàng, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo tía, xiêm thêu, giầy đỏ, đồng thời thấy mùi hương ngào ngạt, tiếng nhạc vang lừng một hồi lâu mới tan. Cao Biền kinh hãi, cho là yêu quái".
Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy một ông hình dạng ăn mặc như lúc thấy ban ngày, đến bảo Biền rằng: “Tôi là Long Đỗ vương khí quân, thấy ông mở dựng đô thành, nên tôi lại chơi, ông đừng ngờ!”.
Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ
Biền tỉnh dậy, nói chuyện với mọi người rồi than rằng: “Ta không biết làm chính trị, để quỷ thần trêu ta, điềm tốt hay điềm gở đây?”.
Có người bảo Biền dựng đền, đắp tượng thờ, rồi lấy đồng, sắt chôn xuống để trấn áp. Biền theo lời làm như thế. Bỗng một cơn bão rất to, đổ cây, tung đất, bao nhiêu đồng sắt yểm đều tan ra tro bụi, Biền thấy vậy, than rằng: “Ta sẽ phải về Bắc mất!” Quả nhiên Biền phải về thật".
Đến đời nhà Lý, dựng đô ở đây, thần Long Đỗ được suy tôn “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương”, tức thành hoàng của cả kinh thành Thăng Long.
Tương truyền, khi Lý Thái Tổ đắp thành, thành cứ đổ, nhà vua phải cử người tới đền cầu thần. Một con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng tây, vòng về hướng đông, trở về điểm xuất phát, rồi biến vào đền. Nhà vua sai quân theo vết chân ngựa để lại mà đắp thành, nhờ vậy mà thành công. Do đó đền thờ thần Long Đỗ còn gọi là Bạch Mã linh từ (đền thiêng Ngựa Trắng).
Thần còn có tên "Long Đỗ thần quân quảng lợi Bạch Mã đại vương", Bạch Mã đại vương, Thăng Long Thành Hoàng, Thần Chính khí Long Đỗ, Tô Lịch giang thần, Thành hoàng Hà Nội, thần Bạch Mã (白馬). Thời Lý phong Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương.
Đền Bạch Mã, nơi thờ thần Long Đỗ, thành hoàng Thăng Long
Vị thứ ba có thể phá trấn Cao Biền chính là Đức Phật Thầy Tây An (Giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương).
Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856) sinh tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Mất ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vẫn còn mộ.
Năm Kỷ Dậu (1849) miền Tây Nam Bộ gặp đại dịch tả kinh hoàng, người chết như rạ. Làng Tòng Sơn xuất hiện một vị tu sĩ tự nhận mình tên là Đoàn Minh Huyên. Nhờ huyền thuật, ngài đã cứu sống hàng ngàn người bị bệnh tả. Phần đạo, ngài khuyên mọi người thờ 4 cái ơn: ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam bảo, ơn đồng bào nhân loại. Ngài không chủ trương thờ hình tượng. Trên bàn thờ chỉ để một tấm vải đỏ, gọi là trần điều. Tên tôn giáo Ngài lập được gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương.
Một đại đệ tử của Ngài tên là Phạm Thái Chung (ông Đạo Lập) phát hiện tại vùng Bài Bài, Châu Đốc một tấm bia đá ẩn sâu dưới đất có khắc chữ Hán: "Cây ếm này chôn vào mùa thu, tháng 8, năm Càn Long, nhà Thanh thứ 57" (tức năm 1792). Bản thân Ngài cũng phát hiện một tấm bia đá khác ẩn dưới gốc bồ đề cổ thụ trên núi Thủy Đài Sơn trong dãy Thất Sơn.
Cho rằng, đó là một trong những tấm bia trấn ếm của Cao Biền cắm trên lãnh thổ Việt Nam nhằm làm suy yếu thế "cửu long thăng thiên", Đoàn Minh Huyên cho các đệ tử khai quật tấm bia đá lên. Sau đó, Ngài dùng loại gỗ lào táo đẽo thành 5 cây trụ, chạm đầu hình búp sen, thân khắc chữ "Bửu Sơn Kỳ Hương", gọi là 5 cây thẻ.
Sau đó Ngài sai đại đệ tử là Đức Quản Cơ Trần Văn Thành - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bãi Thưa (1871-1873) ở miền Tây Nam Bộ chôn ở 5 địa điểm khác nhau để trấn và phá yểm của Cao Biền. 1 cây cắm tại trung tâm là đỉnh núi Cấm và 4 cây cắm quanh vùng Thất Sơn, hình thành 5 ngôi miếu thờ "Ông Thẻ" tạo thành thế "Ngũ long trấn phục" trên bản đồ
Dinh ông thẻ
Thẻ số 1 tên Đông phương Thanh Đế, cắm ở xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ngày nay. Theo thời gian cây thẻ này bị đất lấp nên không còn.
Cây thẻ số 2 tên Bắc phương Hắc Đế, cắm ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) ngày nay. Đây là cây thẻ lộ thiên được quấn lớp vải đỏ (biểu tượng thờ phụng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương), trong 1 đền thờ giữa 2 hàng gươm giáo.
Cây thẻ số 3 tên Tây phương Bạch Đế, được cắm ở chùa Bồng Lai bên bờ kênh Vĩnh Tế, nay thuộc xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Thẻ số 4 tên Nam phương Xích Đế, cắm ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Tuy nhiên, do cắm giữa rừng tràm nên ngày nay mất dấu.
Cây thẻ số 5 có tên Trung ương Huỳnh Đế, cắm gần hang Bác vật Lang, tại vị trí trung tâm thuộc ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang ngày nay. Vị trí này nằm trên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Đức Phật Thầy Tây An có viết, cắm thẻ để ngăn chặn kẻ dữ xâm phạm chủ quyền địa giới.
Cây thẻ phá trấn yểm của Đức Phật Thầy Tây An
Vị thứ tư có thể phá trấn Cao Biền chính là thiền sư Định Không & đệ tử Đinh La Quý.
Trước khi Cao Biền nhận lệnh trấn yểm nước Nam, năm 808, thiền sư Định Không trước khi viên tịch đã cho gọi người kế tục là sư Thông Thiện đến dặn dò : "Ta muốn mở rộng làng xóm nhưng e nửa chừng gặp tai họa. Chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn".
Điều đó chứng tỏ rằng thiền sư đã tiên đoán được việc Cao Biền sẽ phá phong thủy và việc người kế tục đệ tử của ông sẽ mang họ Đinh. Thực tế đúng như vậy. Sau này, sư Thông Thiện gặp một đệ tử rất thông minh là Đinh La Quý. Đoán biết đây là người kế tục mình nên ông đã truyền thụ hết các sở học cho đệ tử.
La Quý là người rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai. Ngài tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Chính La Quý là người đã nối lại long mạch cho làng Cổ Pháp.
Năm 936 (thời Dương Đình Nghệ), khi tròn 85 tuổi, biết sắp mất, ngài La Quý đã gọi đệ tử chân truyền là Thiền Ông đến nói: "Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch. Dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng Đế vương nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn. Nay ta đã chủ trì nối lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa.
Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo. Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật".
Thiền sư La Quý còn cẩn thận dặn dò Thiền Ông rằng: "Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép yểm dấu trong đó, chớ cho người thấy".
"Thiền Uyển tập anh" có ghi chép rằng, trước khi mất ngài La Quý có làm một bài thơ tiên đoán như sau: "Đại sơn long đầu khỉ/ Cù vĩ ẩn Châu minh/ Thập bát tử định thiền/ Miên thọ hiện long hình/ Thổ kê thử nguyệt nội/ Định kiên nhật xuất thanh". Dịch là: "Đại sơn đầu rồng ngửng/ Đuôi cù ẩn Châu minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Nhất định thấy trời lên".
Tượng vua Lý Công Uẩn
Ở câu thứ 3 "thập bát tử" tức chữ thập, chữ bát, chữ tử tạo thành chữ Lý, chỉ vị vua sau này mang họ Lý. Hai câu sau nói ra vị vua này lên ngôi vào tháng chuột (tháng 11) năm gà (tức năm Dậu 1009). Đúng như lời tiên đoán, vị vua mang họ Lý lên ngôi vua vào tháng 11 năm 1009 chính là vua Lý Công Uẩn.
Năm 1009, trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, một tia sét lớn đánh vào cây bông gạo khiến một cành to bị gãy nhưng cây không chết. Chính vì thế mà làng Diên Uẩn, Cổ Pháp còn gọi là làng Dương Lôi hay Đình Sấm. Nhiều người cho rằng việc này do thầy phong thủy Trung Quốc làm.
Vua Lý Công Uẩn là người làng Cổ Pháp, mồ côi từ nhỏ, được sư Khánh Vân đem về chùa nuôi, lớn lên được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy và sau này lên ngôi tức vua Lý Thái Tổ, mở ra thời đại hộ pháp hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam. Khi ông lên ngôi đã duy hộ Phật pháp, dùng Phật pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã hội ổn định. Kể từ đó, Đại Việt hùng mạnh, mở ra thời kỳ thịnh trị, đúng như lời Ngài La Quý dự tri.
3. Ngôi làng do Cao Biền trấn yểm cần được giải trấn
Ở Hà Nội có một ngôi làng từng phát vương 2 đời. Tuy nhiên sau khi bị Cao Biền ra tay trấn yểm, ngôi làng ấy không còn có người nào làm cao, dù người trong làng học giỏi, đạt danh hiệu nhưng không thất nghiệp thì cũng làm hạng lê dân tầm thường, không thăng tiến nổi trong bộ máy nhà nước hay có chức vụ cao trong các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.
Rất nhiều thầy phong thủy, thầy pháp sau khi được người dân trong làng nhờ đến giải trấn yểm thì một vài tháng sau đã thiệt mạng.
Hiện nay, dù ngôi làng rất nổi tiếng vì là danh lam thắng cảnh cho khách thập phương viếng thăm, tuy nhiên người trong làng vẫn u buồn vì đất tốt không thể phát vì bị trấn. Chẳng hay có pháp sư, cao tăng nào dám giải thử trận pháp trên 1000 năm này không ?
Chu Thái Dương (朱肽楊)
Điều hành Phong Thủy Yên Minh (風水殷朙) 096.799.3872
Chuyên gia tư vấn Phong Thủy nhà ở, xem Bát tự, gieo quẻ Kỳ Môn Độn Giáp
Achan người Việt Nam đầu tiên nhận Huyền thuật Hoàng Gia Thái Lan từ Lư Sĩ Hoàng Gia Thái Sorom